Thứ Năm, 12 tháng 3, 2015

Sau Tết, nhân viên đua nhau “nhảy việc” - Hr Blog

Sau Tết, nhân viên đua nhau “nhảy việc”

Thông thường sau Tết Nguyên đán lại bùng phát tình trạng “nhảy việc”... Gần đây có hàng ngàn lao động tại các khu công nghiệp nhảy việc, khi nhiều công ty rao tuyển lao động với số lượng lớn.

Hiện nay, tại một số khu công nghiệp, khu chế xuất ở phía Nam đã thấy xuất hiện những tấm băng rôn tuyển mới lao động. Tuy nhiên, số lượng tuyển không nhiều như những năm trước và các ưu đãi cũng không hậu hĩnh bằng, mức chênh lệch thu nhập giữa các doanh nghiệp bị thu hẹp đáng kể.

Những thông tin cho thấy, nhu cầu tuyển mới lao động của phần lớn doanh nghiệp hiện đang là khá “khiêm tốn”. Nếu như 5-7 năm trước, có không ít doanh nghiệp đánh hẳn những chuyến xe về các địa phương để tuyển và đưa lao động vào nhà máy nhận việc ngay sau Tết, thì nay chuyện này không diễn ra.



Ra Tết, mới chỉ có khoảng 70-75% công nhân các doanh nghiệp da giày, dệt may đi làm trở lại. Theo ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da Giày Việt Nam (Lefaso), có thể trong tuần sau số công nhân tại các doanh nghiệp mới quay trở lại làm việc đầy đủ.

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan Tp.HCM, cho rằng, việc công nhân ngành dệt may, da giày luôn thiếu lực lượng sản xuất sau Tết đã trở thành “đặc thù” từ nhiều năm nay. Tùy theo chính sách đãi ngộ đối với người lao động của từng doanh nghiệp thực hiện trước Tết sẽ góp phần không nhỏ đến hiệu quả thu hút lao động trở lại làm việc đông đủ, thiếu hụt hay buộc phải tuyển mới.

Mặc dù nhiều chuyên gia dự đoán, tình hình sản xuất của phần lớn các doanh nghiệp sẽ ổn định, nhưng theo một số chuyên gia thị trường lao động thì điều này không đồng nghĩa với việc nhiều lao động phổ thông sẽ ồ ạt nhảy việc như nhiều năm trước đây.

Trong khi đó, ở phân khúc nhân sự trung - cao cấp, tình trạng thiếu hụt vẫn đang tiếp diễn ở nhiều doanh nghiệp và có khả năng sẽ còn trầm trọng hơn trong thời gian tới.

Theo công ty tuyển dụng nhân sự Navigos Search, nhu cầu về nhân sự cấp trung và cấp cao cho khối sản xuất đang rất “nóng”.

Trong năm 2014, Navigos Search phía Nam đã cung cấp hơn 100 vị trí công việc cao cấp cho các nhà máy tại Tp.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An... Mức lương trả cho các vị trí này dao động từ 4.000-12.000 USD/tháng.

Về nhân sự trung cấp cho khối sản xuất, công ty cung cấp hàng trăm người, mức lương họ được trả từ 1.000-4.000 USD/tháng. Tuy nhiên, không phải lúc nào nhân sự Việt Nam cũng đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp.

Navigos Search không tuyển đủ kỹ sư và quản lý cấp cao cho nhiều dự án lớn, như Microsoft Mobile của Microsoft Việt Nam và dự án Samsung Display của Samsung Việt Nam. Với phân khúc nhân sự trung - cao cấp, cơ hội mở ra khá nhiều, nhưng không dễ tìm được người đủ khả năng đáp ứng mọi yêu cầu của nhà tuyển dụng.

Qua trao đổi với một số công nhân tại khu chế xuất Linh Trung, quận Thủ Đức, hầu hết ý kiến đều cho rằng, ngoại trừ những doanh nghiệp quá bết bát, thường xuyên nợ lương không đủ khả năng đảm bảo việc làm ổn định, còn phần lớn người lao động không có ý định “nhảy việc” trong năm nay.

Có hai lý do chính, thứ nhất là sau thời gian sản xuất đình đốn, hiện giờ công việc đã dần trở lại ổn định – với họ đó là một điều may mắn. Bởi công việc ổn định chính là một chỉ dấu rõ ràng cho thấy thu nhập và đời sống của người lao động cũng sẽ ổn định và nâng dần lên.

Thứ hai, giữa lúc nhu cầu tuyển lao động mới của phần lớn doanh nghiệp không nhiều, không có những yếu tố thật sự hấp dẫn, nếu có “rao” thì cũng không đáng tin, thì hành động nhảy việc là hết sức mạo hiểm.

Nhìn chung, tâm lý của số đông công nhân đang là cần có sự ổn định. Điều này cũng phù hợp với mong muốn của đại đa số chủ doanh nghiệp, nên giữa họ dễ dàng tìm thấy tiếng nói chung.

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Quỳnh Phương, Trưởng phòng Tư vấn tuyển dụng nhân sự cấp cao của Talentnet, hiện nhu cầu tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao cho các doanh nghiệp vốn FDI tăng mạnh, ước tính gần 30% so với những năm trước. Nhu cầu tuyển dụng ở lĩnh vực sản xuất là thật sự, nhân sự làm việc có độ ổn định. Còn ở lĩnh vực thương mại, nhu cầu tuyển dụng vẫn tăng nhưng là tăng ảo do đặc tính nhảy việc trong lĩnh vực này.

Theo nhận xét của giới chuyên gia, nhân sự trung - cao cấp của Việt Nam có chuyên môn tốt, học hỏi nhanh, nhưng yếu về ngoại ngữ, về tính hệ thống, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng trình bày, giải quyết vấn đề.

Ở những vị trí cấp cao, nhân sự người Việt còn thiếu những người có khả năng truyền cảm hứng cho nhân viên làm việc. Đó là những điều cần sớm bổ khuyết, khắc phục. Ý kiến khá thống nhất trong giới chuyên gia, cần hạn chế tối đa hiện tượng nhảy việc, duy trì sự ổn định để chờ đón những cơ hội mới.

(Theo Vneconomy)

8 cách phá hủy nhanh nhất động lực làm việc của nhân viên

Hãy ghi nhớ rằng, những con người vĩ đại sẽ không dừng chân lâu tại những môi trường làm việc tồi.



Nếu bạn muốn đảm bảo rằng mình đang mang lại cho những nhân viên một môi trường mà ở đó họ có thể thỏa sức phát triển, hãy kiểm tra xem nơi làm việc của bạn có những yêu tố giết chết động lực làm việc sau đây hay không.

1. Những con người độc hại

Nếu bạn đã từng tiếp xúc với những người thực sự tồi tệ, bạn sẽ hiểu sự tàn phá và kiệt quệ mà họ có thể gây ra như thế nào. Những con người độc hại phát tán sự tiêu cực và bóp nghẹt sự tích cực một cách nhanh chóng. Hãy để họ tìm đến một ngôi nhà mới hoặc nếu điều này là không thể, hãy đảm bảo bạn có những chính sách và giám sát hiệu quả làm giảm thiểu những thiệt hại do họ gây ra.

2. Không có sự phát triển chuyên nghiệp

Mọi người cần hiểu rằng họ đang trong quá trình học hỏi và phát triển. Nếu không có điều này, môi trường làm việc sẽ rất buồn tẻ và nhàm chán. Việc tạo ra sự phát triển chuyên nghiệp cho mỗi nhân viên của bạn cho phép họ vun đắp nghề nghiệp cũng như hiểu được rằng cả tổ chức và bạn đang có khoản đầu tư vào thành công của họ.

3. Thiếu tầm nhìn

Một tầm nhìn được truyền đạt rõ ràng sẽ đưa ra phương hướng từ đó cho phép mọi người hiểu đâu là nơi mình cần tập trung vào. Nếu không có tầm nhìn, ngay cả những nhân viên tốt nhất cũng là những người kém hiệu quả bởi thật khó trở nên nổi trội nếu bạn không hiểu được bức tranh lớn.

4. Lãng phí thời gian

Nếu bạn đang có một môi trường làm việc tồn tại những cuộc họp được cho là không có lý do thực sự để xuất hiện cũng như những email được gửi tới tất cả mọi người với nội dung thông tin không thích hợp, thì điều nay dễ khiến cho các nhân viên của bạn thất vọng đáng kể. Hãy cho mọi người thấy bạn đánh giá họ bằng việc chỉ ra rằng bạn quý trọng thời gian của họ.

5. Thiếu thông tin liên lạc

Khi việc kết nối liên lạc trở nên nghèo nàn, mọi người thường dành nửa thời gian của mình để đoán xem bản thân và người khác đang làm gì, những nhiệm vụ quan trọng bị bỏ qua trong khi những công việc không cần thiết được nhân đôi, thông tin bị khóa kín trong những phòng họp bí mật và thông tin đồn thổi có cơ hội phát triển mạnh. Một dòng chảy rõ ràng về giao tiếp là thứ có lợi cho tất cả mọi người.

6. Quản lý theo chiều

Nếu bạn có thể nhớ được mình từng trong một tình huống mà những ý tưởng hay sáng kiến không được đánh giá hay thậm chí lắng nghe, thay vào đó là câu nói “im lặng và làm những gì tôi nói”, bạn sẽ hiểu việc khó khăn ra sao khi làm bất kỳ điều gì trong tâm trạng miễn cưỡng. Thay vào đó càng nhiều sự hợp tác, càng nhiều sự đầu tư vào lắng nghe bạn sẽ càng tạo được thêm nhiều động lực.

7. Thiếu sự trân trọng

Khi những công việc vất vả hay những kết quả vượt bậc không được công nhận, hay thậm chí những lời cảm ơn hàng ngày là thứ không được trông đợi, mọi người sẽ ngày càng thấy tẻ nhạt và thờ ơ với công việc. Bạn có thể thưởng cho những nhân viên của mình mà không tốn một đồng xu, nó có thể đơn giản như việc nói “cảm ơn sự đóng góp của bạn”.

8. Lãnh đạo tồi

Những nhà lãnh đạo tồi gây tổn hại tới mọi thành viên trong đội ngũ cũng như toàn bộ tổ chức của họ. Ngay cả những nhân viên tốt nhất cũng cần được dẫn dắt, lãnh đạo hiệu quả để trở nên vượt bậc. Hãy bắt đầu với việc phát triển nghệ thuật lãnh đạo của riêng bạn, sau đó tuyển dụng và nuôi dưỡng những nhà lãnh đạo tốt nhất ở mọi cấp bậc. Đây là điều tốt nhất bạn có thể làm để cải thiện môi trường làm việc của bạn cho tất cả mọi người.

Theo Trí Thức Trẻ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét